Những kiến thức về dinh dưỡng ngày nay cho phép các chuyên gia dinh dưỡng thiết lập mức bổ sung vitamin và khoáng phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của vật nuôi, điều chỉnh lại mức giới hạn an toàn trong điều kiện thực tiễn. Các vitamin và khoáng vi lượng là những thành phần dinh dưỡng bổ sung rất cần thiết trong thức ăn, nhưng không còn được các nhà nghiên cứu và các tổ chức tài trợ nghiên cứu chú ý đúng mức vì chúng không còn là khuynh hướng nghiên cứu hiện nay.
Vitamin và khoáng vi lượng thường được bổ sung trong hầu hết các loại thức ăn thương phẩm; tạo nên một ngành công nghiệp sản xuất, phân phối, tiếp thị và kinh doanh toàn cầu trị giá hàng tỷ đô la. Mặc dù chi phí bổ sung các chất này tương đối thấp, chiếm dưới 2% tổng giá thành thức ăn; con số này không phải là không đáng kể – đặc biệt trong ngành chăn nuôi một ngành dễ bị tổn thương về mặt lợi nhuận. Vì vậy mỗi người làm dinh dưỡng cần thận trọng đánh giá thường xuyên các vitamin và vi khoáng chất bổ sung, dưới dạng hiệu quả nhất, và tất nhiên khả năng hoàn vốn sẽ dựa trên năng suất và sức khỏe vật nuôi.
Không còn khuynh hướng lãng phí dưỡng chất
Các vitamin và khoáng vi lượng được tìm thấy trong hầu hết các loại nguyên liệu với hàm lượng khác nhau. Tuy nhiên, các nhà dinh dưỡng lại thường bỏ qua vai trò đóng góp của các vi dưỡng chất từ nguồn này (như chúng ta đã được học ở trường) và dựa hoàn toàn vào nguồn bổ sung từ những hỗn hợp premix. Có một việc diễn ra khá thường xuyên đó là mức bổ sung các vi chất đã vượt quá tổng nhu cầu dưỡng chất đã được xác định. Vấn đề này phát sinh dựa trên hai giả định: do một số loại vitamin dễ bị mất chất trước khi cung cấp đến vật nuôi, và cũng không tốn kém nhiều khi bổ sung dư thừa. Ngày nay, điều này không còn đơn giản như vậy vì những dưỡng chất bổ sung có giá cao hơn và chúng ta có kiến thức tốt hơn không chỉ về nhu cầu dinh dưỡng vật nuôi, mà còn về phương pháp bảo vệ những vitamin nhạy cảm.
Thiếu số liệu khoa học cụ thể hỗ trợ giải thích sự lãng phí
Báo cáo gần đây từ tiểu ban Hội Đồng Nghiên Cứu Quốc Gia về Dinh Dưỡng Trên Heo (2012) lặp đi lặp lại những phát hiện của các báo cáo trước đó (1998) dù những phiên bản này vẫn còn thiếu đáng kể các nghiên cứu có ý nghĩa liên quan đến nhu cầu thực về vitamin và vi khoáng của heo. Những nghiên cứu tương tự trên gia cầm xuất bản từ năm 1994, tính đến nay đã được 20 năm tuổi, cũng chỉ quan tâm những vấn đề mang tính học thuật. Mặt khác, những khuyến cáo từ các chuyên gia lai tạo giống gia cầm thì không khác mấy so với những suy luận lý thuyết, dựa trên mong muốn giống vật nuôi di truyền của họ luôn luôn thể hiện tốc độ tăng trưởng đạt đỉnh. Chính vì vậy, chúng ta đang cần có thêm nghiên cứu để bù đắp những lỗ hổng kiến thức về vitamin và khoáng vi lượng, nhưng nguồn tài trợ nghiên cứu lại thường được chuyển hướng sang những vấn đề mang tính hợp thời khác hoặc về chất phụ gia.
Nên bổ sung những loại vitamin và khoáng vi lượng nào?
Một trong những lý do (chính đáng) cho việc bổ sung dư thừa vi dưỡng chất là về nồng độ hàm lượng khác nhau, vấn đề này có thể được giải quyết thông qua chương trình thử nghiệm quốc gia đối với các nguyên liệu thức ăn chính và chưa biết rõ ràng về tính khả dụng sinh học (ở đây, chúng ta cần thêm nghiên cứu đặc biệt về các nguyên liệu phổ biến như ngũ cốc và đậu nành). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chúng ta đang phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên để bù đắp nhu cầu một số loại vitamin tan trong nước và các khoáng chất vi lượng bán thiết yếu thường không được thêm vào trong hầu hết các loại premix (bao gồm folate, crôm, vanadi, boron,…).
Những khoáng chất phổ biến nhất thường được bổ sung vào khẩu phần ăn chính là sắt (Fe), kẽm (Zn), đồng (Cu), mangan (Mn), iốt (I) và selen (Se). Dù có nhiều loại khoáng vi lượng và khoáng siêu vi lượng khác (như crôm, coban, bo, vanadi) có vai trò thiết lập sinh lý học cơ thể, sự thiết yếu của chúng trong khẩu phần thức ăn không dễ dàng chứng minh được vì nhu cầu của các loại khoáng này ở mức cực kỳ thấp. Điều thú vị là, với khô dầu đậu nành và các muối phốt pho lại chứa đủ lượng khoáng sắt, đồng và mangan hơn cả nhu cầu cần thiết ở một số lớp động vật mà không cần bổ sung thêm, ngay cả trong khẩu phần có hàm lượng phốt pho thấp không kết hợp phytase. Bên cạnh đó, khẩu phần ăn thông thường chứa đủ lượng khoáng đồng cho hầu hết các loài vật nuôi. Mối quan tâm duy nhất thực sự với việc cung cấp vi khoáng chính là iốt và selen, đặc biệt khi vật nuôi tiêu thụ nguồn thức ăn đươc trồng ở những vùng đất nghèo selen.
Cũng như với các vitamin có liên quan, bột bắp và khô dầu đậu nành là nguồn cung cấp pyridoxine, thiamin, choline, folacin và biotin. Khi lúa mì được sử dụng để thay thế bắp, thông tin về vitamin nên được xem xét lại (như trường hợp của biotin và niacin). Các loại vitamin tan trong nước khác như riboflavin, acid pantothenic, niacin, vitamin B12 và tất cả các loại vitamin tan trong dầu (A, D, E, và K) thường xuyên được bổ sung vào trong khẩu phần ăn cho thú dạ dày đơn. Một số vitamin (ví dụ, biotin) có thể cần phải được bổ sung bằng nguyên liệu thay thế, đặc biệt là những trong những khẩu phần chứa các sản phẩm cô đặc được tinh chế từ công nghiệp (như các sản phẩm giàu tinh bột hoặc protein), vì những sản phẩm này gần như không có vitamin.
Tạm kết
Rõ ràng là, có một ý tưởng nhỏ xem cơ thể như nguồn dự trữ cung cấp vi dưỡng chất cho thú trước khi giết mổ. Ví dụ như vitamin B12 – loại vitamin cần ít nhất 5 năm mới hoàn toàn bị cạn kiệt – thì rõ ràng thú nuôi vỗ béo không cần B12 cho đến ngày cuối cùng trong đời! Hơn nữa, vai trò tổng hợp của vi sinh vật và sự hấp thu vitamin có nguồn gốc vi khuẩn ở ruột non đang bị đánh giá quá thấp – điển hình như thỏ có thể hưởng được lợi ích từ việc tái sử dụng “phân vitamin” (chất chứa manh tràng). Các loài vật khác cũng có thể tiêu thụ phân (tuy nhiên sẽ hơi khó chịu nếu chúng ta xem xét về vấn đề này), và rõ ràng là vật nuôi nhốt trong lồng mạ kẽm có nhu cầu kẽm khác so với thú được nuôi trên đồng cỏ hoặc trong lồng truyền thống.
Phải thừa nhận rằng, khoản chi phí nhỏ liên quan đến việc cung cấp, bổ sung thêm vitamin và vi khoáng chất cho thú liên tục đến khi xuất chuồng đã được chứng minh hợp lý trong quá khứ. Tuy nhiên, khi mọi việc dần trở nên quan trọng, đặc biệt khi lượng thức ăn thú ăn vào đạt tối đa, những tiến bộ tiên tiến trong lĩnh vực dinh dưỡng và lợi nhuận đạt được khi giảm thiểu chi phí đặt ra nhiệm vụ cần đánh giá lại cách thức bổ sung vi dưỡng chất như trước đây.
Nguồn: Báo Nhà chăn nuôi